Văn hóa - Xã hội Văn hóa - Xã hội

Lễ hội Thánh Gióng đền Sóc làng Xuân Đỉnh, một nét văn hóa lâu bền
Ngày đăng 27/01/2023 | 10:59  | Lượt xem: 92

Bên cạnh hội Gióng Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng, vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, rất nhiều người dân Hà Nội đến đền Sóc Xuân Tảo (Từ Liêm, Hà Nội) để tham dự hội Gióng Xuân Đỉnh.

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Xuân Đỉnh xưa được gọi là làng Cáo, sau gọi là Quả Động. Đến thời nhà Lê đổi thành Minh Tảo và vào thời nhà Nguyễn là Xuân Tảo.

Thánh Gióng là 1 trong 4 vị thánh mà dân gian tôn kính thờ phụng (Tứ bất tử) đó là Thánh Tản Viên, Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), Thánh Chử Ðồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Tương truyền, vào đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi nghe lời hiệu triệu toàn dân chống giặc ngoại xâm thì từ cậu bé 3 tuổi mà chưa biết nói mà khi nghe tiếng loa hiệu triệu hiền tài chống giặc đã nhờ Mẹ mời sứ giả vào nhà. Sau khi ăn no đã vụt lớn thành một tráng sỹ, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt từ biệt cha, mẹ và bà con hàng xóm rồi lên đường đánh tan quân xâm lấn.

Trên đường đi đánh thắng giặc Ân về, khi qua làng Cáo, đức Thánh Gióng đã dừng chân, buộc ngựa vào cây đa đầu làng, ngồi nghỉ trên một phiến đá, sau đó nhảy xuống hồ tắm mát, rồi quay lên tắm lại bằng nước giếng của làng ở chân gò Con Phượng. Dân làng đã dâng món cơm với cà để ngài dùng bữa. Để tưởng nhớ đến công đức của Ngài, dân làng đã lập đền thờ hương khói quanh năm.

Trong đền thờ Ngài tại phường Xuân Tảo hiện lưu giữ những cổ vật quý như: Đồ thờ, kiểu long đình, ngại, lọng, hương án.

Tấm bia đá lớn chạm rồng chầu mặt nguyệt, mỗi mặt rộng 0,63m, cao 1,2m bốn mặt đều có chữ. Bia dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1682) tiêu đề “Báo đức bi ký” ghi công đức của bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến và con gái là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cang đã công đức cung tiến trùng tu cho ngôi đền này.

Trong đền còn có những tảng đá chạm hoa sen tinh xảo từ thế kỷ thứ 17 với đường kính hơn 1m để kê chân cột.

Đặc biệt trong đền là có bức tượng đức Phù Đổng Thiên Vương cao 4,56m được tạo tác vào cuối thế kỷ 18 với dung mạo oai nghiêm được coi như một kiệt tác của nghệ thuật thời bấy giờ.

Bên cạnh là các hoạt động văn nghệ, thể thao bóng chuyền, kéo co, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm.... cũng được tổ chức
Bên cạnh là các hoạt động văn nghệ, thể thao bóng chuyền, kéo co, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm.... cũng được tổ chức

Lễ hội Thánh Gióng đền Sóc làng Xuân Đỉnh được tổ chức 5 năm một lần trong 3 ngày với các nghi lễ truyền thống như: Tế cáo yết, các thôn dâng hương lễ Thánh, rước kiệu Thánh, Tế lễ an vị, Lễ tạ, Tế giã... Bên cạnh là các hoạt động văn nghệ, thể thao bóng chuyền, kéo co, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm....

Để cho lễ hội Thánh Gióng đền Sóc làng Xuân Đỉnh được thành công tốt đẹp ngoài việc giữ gìn truyền thống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo PCCC, thì bên cạnh sự thống nhất của Đảng ủy, UBND, MTTQ, Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, CA phường Xuân Tảo và các tiểu ban tham gia lễ hội thì còn có sự đóng góp công sức vô cùng to lớn của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Xuân Đỉnh là địa phương có bề dày lịch sử Văn hóa và Cách mạng truyền thống. Pháo đài Xuân Tảo là một trong những pháo đài đầu tiên nổ những phát đạn trong 60 ngày đêm kháng chiến chống Pháp năm 1946.

Làng Xuân Đỉnh cũng là nơi nuôi dưỡng và che giấu những bậc lão thành cách mạng trong suốt năm tháng đất nước bị thực dân Pháp đô hộ.

Đến ngày 27/12/2013 Chính Phủ ban hành Nghị quyết 132/NQ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và thành lập 02 phường thuộc quận Bắc Từ Liêm là Xuân Đỉnh và Xuân Tảo.

Di tích đền Sóc làng Xuân Đỉnh nay là Phường Xuân Tảo đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin và Thể Thao công nhận là Di tích lịch sử cấp Nhà nước vào ngày 29/11/1991.

                                                                                                                                            Theo Báo Pháp luật Plus

                                                                                                                                                     Nguyễn Tiến Lộc