Lịch sử văn hóa Lịch sử văn hóa

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN SÓC PHƯỜNG XUÂN TẢO
Publish date 15/07/2020 | 14:47  | View Count: 523

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Đền Sóc phường Xuân Tảo tọa lạc trên đỉnh gò Phượng Hoàng nằm ở phía Tây Hồ Tây cách đường Lạc Long Quân khoảng 1000m dọc theo đường Xuân La. Qua trung tâm TDTT quận Tây Hồ. Bên trái đường là tam quan Mộc Dục – Đình Mộc Dục nằm gọn trong hồ bán nguyệt.

Bên phải đường là con đường dải nhựa đi thẳng vào cổng Đền. Từ Tam quan Mộc Dục đế n Tam quan Đền Sóc khoảng 200m, hiện tại là ngõ 34.

Đền Sóc có từ rất lâu đời. Cũng như Đền Gióng ở Phù Đổng Gia Lâm và Đền Sóc ở núi Vệ Linh – Sóc Sơn, Đền thờ Đức Phù Đổng Thiên Vương tức Thánh Gióng.

Truyền thuyết: Theo từ điển danh nhân đất Việt của tác giả Trịnh Vân Thanh trang 809 vần P (Phù Đổng Thiên Vương). Nước Ân ở phương Bắc có âm mưu xâm lược nước Văn Lang, vua Hùng vương thứ 6 lấy làm lo lắng bèn họp quần thần bàn kế sách chống giặc giữ nước.

Trong hàng quan văn có người tấu rằng: “ngày trước tiên đế Lạc Long Quân có truyền lại rằng: “Khi nào nước nhà gặp cơn nguy biến thì cầu Thần lên giúp”. Vua Hùng bèn truyền lệnh lập đàn cầu Thần ba hôm sau trong lúc mưa to gió lớn xuất hiện một cụ già râu tóc bạc phơ và xưng là Lạc Long Quân người truyền rằng trong vòng ba năm nữa giặc Ân từ phương Bắc sẽ tràn xuống, bấy giờ nhà vua hãy cho người đi khắp nước cầu tướng tài ra giúp nước. Chừng ấy sẽ có thần tướng ra cứu an xã tắc.

Ba năm sau quả nhiên giặc Ân kéo sang cướp nước Văn Lang. Chúng đi đến đâu nhà tan cửa nát tới đó. Tin cấp báo về Phong Châu, Hùng Vương nhớ lời dặn của Lạc Long Quân liền cho sứ giả truyền khắp nước chiêu hiền tài giúp vua dẹp giặc.

Cùng thời gian này ở làng Gióng – Phù Đổng thuộc bộ Võ Ninh (Bắc Ninh) Phù Đổng hiện nay thuộc huyện Gia Lâm có một người phụ nữ đã lớn tuổi. Một hôm ra đồng nhìn thấy vết chân người to lớn lạ thường bà lấy làm lạ bèn ướm thử chân mình vào bà bỗng thấy tâm thần dao động, về nhà thọ thai và vào ngày 07 tháng giêng lịch trăng bà hạ sinh được một cậu bé trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Gióng nhưng dòng dã ba năm chẳng nói chẳng rằng không bò không lẫy. Bà mẹ rất buồn phiền, bỗng một hôm nghe sứ giả gọi truyền lệnh vua tìm người hiền tài giúp nước. Lạ thay cậu bé tươi cười gọi mẹ cho mời sứ giả về tâu Vua rèn cho một ngựa sắt, một bộ giáp sắt, một bộ giáp sắt và roi sắt cậu sẽ giúp vua dẹp giặc.

Nhớ lời Lạc Long Quân, Vua biết đây là thần tướng bèn làm theo. Khi ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt đã sẵn sàng cậu nói với mẹ nấu cơm cho cậu ăn thật nhiều. Cậu ăn bao nhiêu cũng chưa đủ. Dân làng nô nức đem cơm cà cho cậu ăn, tập trung vải may quần áo cho cậu mặc.

Cậu ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, vải vóc dân làng gom lại may quần áo cho cậu không đủ phải dùng bông lau buộc thêm cho kín người.

Cậu vươn vai đứng dậy bỗng trở thành một dũng tướng cao lớn lạ thường. Cậu mặc giáp sắt, cầm roi sắt, nhảy lên lưng ngựa sắt. Vẫy chào mẹ và dân làng, cậu vỗ vào lưng ngựa sắt, ngựa hý vang miệng phun ra lửa, ngựa phi đến đâu giặc tan tới đó xác giặc ngổn ngang. Đang tung hoành giữa trận tiền, roi sắt gãy, Gióng thuận tay túm các khóm tre bên đường làm vũ khí quét giặc.

Giặc tan, Gióng phi ngựa vượt sông Cái (Hồng) về phía Tây hồ Tây buộc ngựa vào gốc cây trên đỉnh gò Phượng Hoàng. Dân làng Cảo Động mang cơm cà dâng cho Gióng ăn. Ăn no Gióng xuống Hồ Tây tắm mát, rồi phi ngựa thẳng về núi Vệ Lin, bỏ lại giáp trụ Người ngựa bay về trời. Đó là ngày mồng tám tháng tư lịch trăng.

Ghi nhớ công ơn dẹp giặc cứu nước của Gióng, Vua Hùng sắc phong Phù Đổng Thiên Vương tục gọi Thánh Gióng và truyền cho dân làng lập Miếu thờ ở nơi có dấu tích của Thần. Nơi sinh ra, nơi Thần hóa và nơi thần nghỉ chân ca dao thời ấy có câu:

“Làng Phủ Đổng có một người

Sinh ra chẳng nói chẳng cười trơ trơ

Những ngờ oan trái bao giờ

Ai hay Thần tướng đợi chờ Phong Vân”

Đền thờ nhà Lý thấy cảnh Đền ở đỉnh gò Phượng Hoàng phong cảnh đẹp lại gần với kinh đô bèn cho xây dựng đền to cao hoành tráng để làm nơi Vua quan trong triều cúng tế, cầu thần hàng năm theo nghi lễ cấp nhà nước. Từ đó, Đền càng trở nên linh thiêng ngày đêm hương khói nghi ngút. Đến thời Lê Trịnh (1682) vợ Chúa Trịnh Tạc là bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến cùng con gái là Quận Chú Trịnh Thị Ngọc Cang bỏ tiền ra mua ruộng ao cúng tiến vào Đền cho tu sửa lại Đền. Sau khi mẹ con bà mất dân làng dựng Miếu thờ hai bà cạnh ngay phía Tây cung cấm, phía đông cung cấm thờ hai vị thổ thần Bảo đà Quốc công. Đến đời nhà Nguyễn năm 1872 lại được tu sửa lớn.

Và đến năm 1991, đền Sóc phường Xuân Tảo được bỏ được Bộ Văn hóa công nhận và cấp bằng di tích lịch sử Văn hóa cấp nhà nước.

Tiểu ban quản lý di tích Đền Sóc cũng được thành lập để quản lý quần thể di tích Đền Sóc.

Do thiên nhiên tàn phá, do địch phá hoại Đền đã nhiều lần xuống cấp nghiêm trọng và cũng được sửa chữa lớn nhiều lần. Tuy nhiên vẫn giữ nguyên khuôn thước vốn có.

Năm 2005 (Ất Dậu) được sự hỗ trợ của nhà nước đã dựng lại nhà trung đường, tả hữu vu, lợp lại hậu cung. Năm 2009, nâng cấp đường từ Tam quan mộc dục vào Đền, kè hồ bán nguyệt. Khuôn viên di tích đã được khôi phục gần như hoàn toàn, một khuôn viên di tích trang nghiêm, to đẹp, xứng tầm là khuôn viên di tích cấp nhà nước.

Và hàng năm tổ chức lễ hội để ghi nhớ công ơn của Đức Thánh vào ngày 06 tháng giêng và ngày tiệc Thánh vào ngày 08 tháng tư (âm lịch). Nghi lễ ngày hội được tổ chức trang nghiêm cá tổ dân phố đều rước lễ xuống Đền lễ thánh. Ngày 06 tháng giêng có lễ rước kiệu Thánh du xuân. Trong ba ngày lễ hội có các trò chơi dân gian như: cờ người, hát thuyền, chiếu chèo, giá hầu, gà chọi…