Di tích danh thắng Di tích danh thắng

DI TÍCH CÁCH MẠNG KHÁNG CHIẾN PHÁO ĐÀI XUÂN TẢO
Publish date 15/07/2020 | 15:04  | View Count: 511

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Pháo đài Xuân Tảo là niềm tự hào của nhân dân làng Xuân Tảo, phường Xuân Tảo, là một trong những biểu tượng sinh động về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, quật khởi của Thủ đô Hà Nội nói chung và nhân dân làng Xuân Tảo nói riêng trong cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ chống thực dân Pháp, bảo vệ hòa bình độc lập cho dân tộc.

          Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

          Pháo đài Xuân Tảo do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1938 đã bị quân Tưởng Giới Thạch chiếm đóng từ tháng 9/1945 đến tháng 6/1946. Khi quân Tưởng buộc phải rút đi, lực lượng dân quân tự vệ Xuân Tảo nhanh chóng chiếm đóng pháo đài, tháo gỡ và chuyển đi cất giấu toàn bộ binh khí kỹ thuật, gồm hàng tấn đạn đại bác, máy phát điện cùng những bộ phận chính của 3 khẩu đại bác 75 ly. Từ tháng 7/1946, tình hình thành phố ngày càng căng thẳng vì các hoạt động khiêu khích trắng trợn của thực dân Pháp.  Hai đơn vị tự vệ Xuân Tảo tập trung đã xuống bố trí trận địa tác chiến ở phòng tuyến phân khu Đ (từ Bái Ân đến chùa Sách) thuộc mặt trận Lãng Bạc. Khi lực lượng pháo binh của ta về chốt giữ pháo đài Xuân Tảo, một số tự vệ địa phương đã được phân công vào phối hợp cùng bộ đội  sẵn sàng chiến đấu.

          Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946 sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đèn điện Thành phố vụt tắt. Lập tức Pháo đài Xuân Tảo đã cùng với Pháo đài Láng và Pháo đài Xuân Canh nã những loạt đạn đầu tiên vào đầu quân Pháp trong nội thành Hà Nội, mở màn 60 ngày đêm chiến đấu chống thực dân Pháp ở Thủ đô. Những ngày sau đó, Pháo đài Xuân Tảo còn tiếp tục nã nhiều loạt đại bác vào các trại lính Pháp trong nội thành, gây cho chúng nhiều thiệt hại và nỗi hoảng sợ kinh hoàng. Cùng với đó, hàng trăm thanh niên Xuân Tảo đã hăng hái ra nhập các đơn vị quân đội và lực lượng TNXP hoặc du kích địa phương, hàng chục người dân đã trở thành cán bộ cốt cán của cách mạng, hàng chục gia đình đã trở thành cơ sở bí mật của cách mạng.

          60 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dành thắng lợi hoàn toàn, Thủ đô được giải phóng, nhưng, những kỷ niệm sâu sắc của một thời đau thương và anh dũng, máu và hoa sẽ mãi mãi in đậm trong những trang sử oai hùng của dân tộc, của Thủ đô và của Đảng bộ, nhân dân phường Xuân Tảo. Với những đóng góp tích cực cả về sức người sức của trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 2003 cán bộ và nhân dân Xuân Tảo đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ chống thực dân Pháp.

          Năm 2003 UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định xếp hạng Pháo đài Xuân Tảo là Di tích cách mạng kháng chiến của Thành phố.

Ngày 7/10/2014, UBND quận Bắc Từ Liêm phối hợp với UBND phường Xuân Tảo chủ trì tổ chức Lễ gắn biển di tích Cách mạng kháng chiến Pháo đài Xuân Tảo. UBND Thành phố và UBND quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức gắn biển “ Công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô”.

Ban biên tập